BẦU CỬ MỸ BƯỚC VÀO CUỘC TRANH ĐUA SÔI ĐỘNG NHẤT

Trọng Thuấn | 13:40 23/08/2020

Các đại hội của đảng Dân chủ (tuần qua) và Cộng hòa (tuần tới) là nơi chọn ra ứng viên tranh cử tổng thống, đồng thời đánh dấu mùa bầu cử Mỹ thực sự bước vào guồng sôi động nhất.

Dù cựu phó tổng thống Joe Biden từ lâu được coi là ứng viên của đảng Dân chủ, Đại hội Quốc gia đảng Dân chủ trong các ngày 17-20/8 mới là nơi các đại biểu từ mọi bang của Mỹ chính thức bỏ phiếu bầu chọn, dựa theo kết quả bầu cử sơ bộ ở bang mình những tháng qua.

Các bài phát biểu “bom tấn” của những tên tuổi kỳ cựu, cũng như các ngôi sao đang lên trong đảng, đang vạch ra đường lối, lập trường của đảng để thách thức Tổng thống Trump vào tháng 11.

Lẽ ra, đại hội sẽ là những đêm náo nhiệt của hàng nghìn người ủng hộ đảng Dân chủ nhiệt thành nhất, với tiệc tùng, ca nhạc, biển hiệu, băng rôn, những tràng vỗ tay, la hét, hô vang, tán dương. Và rất rất nhiều bóng bay, bên trong một hội trường ở thành phố đăng cai năm nay là Milwaukee, bang Wisconsin.

Nhưng tất cả phải chuyển sang trực tuyến do dịch Covid-19. Bài học về sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Trump ở Tulsa, bang Oklahoma vài tháng trước trở thành nguồn lây lan virus corona vẫn còn đó.

Zalo

Đại hội truyền thống, với rất nhiều người tập trung một chỗ, phải chuyển sang online giữa dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Những diễn văn “bom tấn”

Các bài phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (hay đảng Cộng hòa cũng vậy) đều là những tiết mục lớn, vì các diễn giả có cơ hội nói với khán giả truyền hình trên toàn nước Mỹ trong khung giờ vàng.

Trước khi đắc cử năm 2008, ông Barack Obama được cả nước biết đến sau bài phát biểu “gây bão” tại đại hội đảng Dân chủ trước đó bốn năm. “Không có bang đỏ của Cộng hòa, bang xanh của Dân chủ, mà chỉ có các bang của một nước Mỹ thống nhất” - đoạn clip phát biểu đầy nhiệt huyết từ đại hội khiến nước Mỹ “phải lòng” ông Obama. Các đại hội đều được tổ chức sao cho truyền cảm hứng và thu hút những cử tri chưa quyết định.

Nhưng năm nay, sự cuồng nhiệt bao quanh các diễn giả không còn nữa. Đại hội tổ chức online, một số diễn giả đã ghi hình trước. Những diễn giả phát biểu qua mạng sẽ không còn nhận được những tràng vỗ tay, la hét rầm rộ sau mỗi câu văn “đi vào lòng người”.

Dù vậy, đại hội vẫn thu hút được người xem chương trình phát trực tiếp kéo dài hai tiếng “giờ vàng” mỗi tối từ ngày 17-20/8, thông qua mạng Internet cũng như các kênh truyền hình lớn.

Một số tên tuổi “bom tấn” của đảng Dân chủ đã hâm nóng không khí cuộc đua vào Nhà Trắng, trước khán giả cả nước bao gồm cựu tổng thống Barack Obama, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cựu tổng thống Bill Clinton, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton hay Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Ứng viên phó tổng thống Kamala Harris cũng phát biểu trước số lượng khán giả lớn nhất mà bà từng có từ trước đến nay. Ngoài ra, bà Jill Biden, vợ của ông Biden, cũng phát biểu, trước khi ông Joe Biden kết lại vào ngày 20/8 với diễn văn tiếp nhận đề cử của đảng.

Zalo

Ứng viên phó tổng thống Kamala Harris sẽ phát biểu trước số khán giả lớn nhất mà bà từng có, vào tối 19/8 (giờ Mỹ). Ảnh: New York Times.

Nhưng dù tổ chức online hay trực tiếp, đại hội này, cùng với đại hội của đảng Cộng hòa vào tuần tới, vẫn đánh dấu mùa bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2020 thực sự bước vào guồng quay sôi động nhất.

Hãng tin AP đánh giá các diễn giả khá đa dạng, gồm cả ông Sanders và cựu thống đốc bang Ohio John Kasich, người của đảng Cộng hòa. Đó là những nhân vật đáng chú ý vì họ khác xa ông Biden: ông Sanders nghiêng xa về cánh tả, từng vận động cho một “cuộc cách mạng chính trị”, còn ông Kasich là nhân vật Cộng hòa bảo thủ, từng chống lại công đoàn ở bang mình (đảng Dân chủ thường ủng hộ công đoàn).

Điều này phản ánh thông điệp của chiến dịch ông Biden, muốn cử tri đánh giá tư cách, đạo đức, năng lực và sự đoàn kết của ông Biden khi so với đối thủ Donald Trump, chứ không quá chú trọng vào từng chính sách cụ thể. Chính vì vậy, các cam kết tranh cử của ông Biden xoay quanh “đoàn kết lại nước Mỹ” hay “khôi phục linh hồn của nước Mỹ”, theo AP.

Zalo

Ông Biden sẽ chính thức được chọn làm ứng viên của đảng Dân chủ vào đại hội này. Ảnh: AP.

Ngoài diễn văn, đại hội còn có gì khác?

Địa điểm ban đầu của đại hội ở thành phố Milwaukee lẽ ra nhằm thể hiện cam kết của đảng Dân chủ với Wisconsin, một bang chiến trường quan trọng, mà ứng viên Hillary Clinton đã thờ ơ năm 2016 để rồi bất ngờ nhận lấy thất bại.

Nhưng virus buộc đại hội chuyển sang online, và không có các diễn giả hay đại biểu nổi bật nào đến Milwaukee để tham gia đại hội, ngoại trừ các quan chức đã ở sẵn bang Wisconsin. “Nhân vật quan trọng nhất ở Milwaukee sẽ là những người phụ trách kỹ thuật của đại hội”, tờ New York Times bình luận.

Đối với Milwaukee, việc không được tổ chức đại hội như “một cú đấm vào bụng”, một chủ nhà hàng ở đây nói với hãng tin AP. Thành phố và doanh nghiệp đã chi hàng triệu USD để chuẩn bị đăng cai sự kiện được chờ đón nhất trong nhiều thập kỷ nay, với hy vọng 50.000 người sẽ tới và đem về doanh thu cũng như uy tín cho Milwaukee. Lợi ích kinh tế bị mất ước tính lên tới 200 triệu USD, theo New York Times.

Zalo

Địa điểm lẽ ra tổ chức đại hội của đảng Dân chủ, giờ thiệt hại vì không có khách tới ồ ạt như dự kiến. Ảnh: New York Times.

Ngoài các diễn văn, đại hội sẽ có các đoạn video ghép lại về các ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ năm nay. Phần “gọi tên” các bang và vùng lãnh thổ để bỏ phiếu sẽ chỉ kéo dài 30 phút, thay vì hai tiếng như bình thường. Nhưng việc bỏ phiếu bầu chọn trên thực tế đã được tiến hành qua thư và đã kết thúc ngày 15/8.

Vào ban ngày, một số công việc khác của đảng cũng được tranh thủ tiến hành online trong các ngày đại hội, như họp các hội đồng, ban bệ. Đảng Dân chủ cũng sẽ hoàn tất chủ trương chính sách tranh cử.

Ban tổ chức cũng hứa rằng đại hội sẽ không chỉ là show của chính trị gia, mà còn của những người Mỹ bình dân - “bớt người đứng sau bục, thêm người từ các hộ kinh doanh, từ trường học, quảng trường, nhà máy, và từ phòng khách nhà riêng”, theo BBC News.

Khách mời cũng gồm các nhà giáo dục, nhà hoạt động kiểm soát súng, nhân viên y tế, và cả những người từng theo đảng Dân chủ. Đáng chú ý là sự xuất hiện của một nông dân ở Pennsylvania từng bầu cho ông Trump năm 2016 nhưng năm nay đổi ý vì nông trại bị thiệt hại nặng nề do chiến tranh thương mại.

Những nhà quyên góp tiền lớn cho đảng Dân chủ trải qua một mùa đại hội khác thường. Họ không tới đó, ở trong các khách sạn cao cấp, mà chỉ theo dõi qua màn hình như bao người khác. Họ cũng không có được những cuộc tiếp xúc với các thống đốc, thượng nghị sĩ và lãnh đạo đảng mà lẽ ra các tấm séc thường đem lại cho họ.

Tin liên quan

BẦU CỬ MỸ BƯỚC VÀO CUỘC TRANH ĐUA SÔI ĐỘNG NHẤT

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0983 806 086