Với mục tiêu giúp con thành đạt sau này, các ông bố bà mẹ ở châu Á đã chi rất nhiều tiền cho giáo dục hoặc đưa con vào “kỉ luật thép” từ khi rất nhỏ.
Các kì thi giữa kì của Wen Zi Xu sắp đến và mẹ của cậu muốn biết cậu con trai 11 tuổi của mình đặt mục tiêu bao nhiêu điểm cho các môn. Zi Xu trả lời: Tiếng Anh 100 điểm, Toán từ 95 điểm trở lên và môn yếu nhất là tiếng Trung: 80 điểm. Nhưng bà mẹ nhận xét: Chưa đủ.
Cậu bé hoảng sợ đáp lại: "Nếu con hứa đạt 85 điểm mà con không làm được thì mẹ sẽ mắng con. Chúng ta có thể đi chậm lại được không mẹ?".
Cậu bé Wen Zi Xu và bố mẹ. Ảnh: CNA.
Gia đình Wen đến từ Thành Đô, Trung Quốc và bà mẹ Feng Jie còn biết có những phụ huynh "sẽ không cho phép con mình mắc dù chỉ một lỗi duy nhất trong các bài kiểm tra".
"Họ muốn con mình đạt 100 điểm. Một số ông bố bà mẹ còn đánh con nếu không đạt được điểm đó", chị kể.
Không chỉ có các phụ huynh Trung Quốc vướng vào cuộc đua điểm số của con. Ở châu Á, khu vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt, các phụ huynh phải vật lộn với câu hỏi: Làm thế nào để con cái mình thành công?
Bằng cách giám sát việc học của con 24/7? Bằng cách khơi dậy năng khiếu kinh doanh của con? Hay bằng cách cho con học viết code (lập trình) để con có một chỗ đứng trong thị trường việc làm sau này?
Các phụ huynh đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: Điều gì là tốt nhất cho con khi tương lai không thể đoán định? Và khi con trẻ còn chưa đủ chín chắn để tự quyết định thì nên theo mong muốn của trẻ hay của cha mẹ?
Trong trường hợp của Zi Xu, cậu bé đã được cha mẹ giám sát chuyện học hành từ khi mới ra đời. Trước khi tròn 1 tuổi, cậu bé bắt đầu học bơi. Trước khi bước sang tuổi thứ 3, cậu bắt đầu học tiếng Anh. Từ 3 tới 6 tuổi, cậu bắt đầu học đàn piano. Về thể thao, mẹ cậu cho biết cậu đã chơi bóng chày "được lâu rồi" Và khi bước vào lớp 3, cậu bắt đầu viết code và học công nghệ sáng tạo như tạo mẫu 3-D.
Cha mẹ Zi Xu đã chi tới 1 triệu tệ (145.000 USD) cho việc học hành của cậu.
"Ý định của tôi là khi cháu còn nhỏ nên cho cháu tham gia nhiều môn học rồi sau đó tìm ra điểm mạnh của cháu để phát triển. Giáo dục sớm là một hình thức đầu tư", mẹ của Zi Xu chia sẻ.
Là con duy nhất trong nhà, Zi Xu hiểu là "mọi người đang cuống quít lên" về chuyện học hành của cậu. "Ai cũng mong muốn giúp cháu trở thành người giỏi nhất", Zi Xu nói.
Wen Ju, cha của Zi Xu hiện đang làm trong mảng quảng cáo online, muốn cậu đi theo ngành công nghệ vì anh tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người và xóa sổ nhiều việc làm trong tương lai gần.
"Tôi định hướng cho con trai tôi theo ngành công nghệ sáng tạo. Tôi cảm thấy cần làm điều đó càng sớm càng tốt", người cha 41 tuổi tâm sự.
Đó cũng chính là nguyện vọng của Zi Xu. Kể từ khi lên 8, cậu bé đã dành khoảng 10 tiếng mỗi tuần để theo học các lớp học về công nghệ. Bản thân cậu bé cũng thấy tự hào về các sản phẩm cậu tạo ra bằng máy in 3-D, ví dụ như những thanh gươm đồ chơi mà cậu vẫn bán cho các bạn cũng lớp.
Nhưng mẹ của cậu bé cảm thấy không hài lòng vì con trai dành quá nhiều thời gian cho sở thích riêng mà giảm thời gian làm bài tập về nhà. Chị đã quyết định cho con thôi học các lớp học công nghệ sáng tạo vì cậu bé chuẩn bị thi hết bậc tiểu học.
"Đạt điểm cao để vào trường cấp hai tốt là điều quan trọng hơn", chị lập luận.
Đó là điểm mà cha mẹ cậu bé không nhất trí được với nhau. Cha Zi Xu cho rằng "ở giai đoạn này, điểm số không mang tính quyết định". Anh nói với vợ: "Trong tương lai, có thể con sẽ không vào tốp đầu của lớp. Nhưng con có thể dựa vào thế mạnh của mình để đạt lợi thế cạnh tranh".
Nhưng vợ anh khăng khăng: "Mọi đứa trẻ đều có xuất phát điểm như nhau, có lượng thời gian như nhau. Con chúng ta vẫn chưa học hành chăm chỉ đủ mức. Cứ nhìn những đứa trẻ khác mà xem, chúng đang học hành chăm chỉ từng ngày, tận dụng từng giây từng phút".
Tuy nhiên, đến khi điểm tiếng Trung của Zi Xu dưới 80, cha cậu bé bắt đầu dao động và nghĩ có thể vợ anh đã đúng. Anh lo sợ rằng con trai anh sẽ bỏ cuộc và điều đó sẽ dẫn tới rắc rối.
Có một điều rõ ràng là Zi Xu đang cảm thấy mệt mỏi và cậu bé trở nên dễ cáu gắt. "Bề ngoài trông cháu có vẻ hạnh phúc và vui tươi. Nhưng bên trong cháu cảm thấy áp lực về chuyện học và các áp lực khác. Điều đó làm cháu cảm thấy bất an", cậu bé tâm sự.
Keane Yap và bố. Ảnh: CNA.
Trong khi đó ở Singapore, cậu bé 9 tuổi Keane Yap hiểu rõ một lịch học dày đặc là thế nào. Nhưng chính cậu muốn có lịch học đó để được tham gia vào Nhóm số 1 trong lớp và đạt được tham vọng của mình là trở thành người nổi tiếng.
Cậu muốn mình là một người nổi tiếng có thể vừa hát, vừa nhảy và diễn xuất. Vì thế, lịch học các ngày trong tuần của cậu như sau: Thứ 2 học Wushu, thứ 3 học thêm toán và học lớp diễn xuất một thầy một trò, thứ 4 học lớp diễn thuyết một thầy một trò, lớp luyện thanh một thày một trò, thứ 5 học thêm tiếng Trung và học bơi; và thứ 6 học hát song ca.
Mẹ của cậu, Celine Yap, vốn là một nhân viên tổ chức sự kiện nhưng đã nghỉ việc ở nhà để hỗ trợ cậu chuẩn bị cho tương lai kể từ lúc cậu lên 5. Rất ủng hộ tham vọng của con, chị đã đóng vai trò là người quản lí tài năng và "người lái xe Uber" cho con trai, giúp con lên danh mục những môn cần học và đưa con đi chụp ảnh cũng như tham gia vào các buổi trình diễn.
Cậu bé đã tham gia vào hơn 35 dự án diễn xuất, từ các chương trình mang mục đích thương mại cho tới các bộ phim như "Những bà mẹ sư tử". Cậu đã đạt được rất nhiều giải thưởng tại các cuộc thi hát quốc tế như Liên hoan âm nhạc quốc tế Hồng Kông.
Mỗi tháng, gia đình cậu chi khoảng 1.500 USD cho các buổi học của cậu. Yap cho rằng đây là một sự đầu tư "quan trọng" và đồng thời cũng tìm cách chuẩn bị cho Dawn, chị gái của Keane, tham gia nghiệp ca hát.
"Cạnh tranh chính là nền móng xây dựng sự tự tin của bọn trẻ. Tôi muốn chúng không sợ hãi khi đứng trên sân khấu và yêu thích biểu diễn trên sân khấu. Đó chính là những kĩ năng mềm tôi đang muốn chúng có được", bà mẹ 47 tuổi nói.
Là một đứa trẻ tham vọng, Keane cũng muốn có kết quả tốt ở trường. Có lần đạt điểm tiếng Anh 80 điểm, cậu liền yêu cầu bố mẹ cho đi học thêm để bổ túc môn này. "Lớp của con toàn người học giỏi thôi. Hầu hết các bạn ấy đều đạt từ 85 đến 100 điểm. Đó là các bạn trong Nhóm số 1", cậu bé giải thích.
Cha của Keane, Alex Yap, có nhiệm vụ theo dõi tình hình học tập của con trai đã ra quy định cho cậu bé được chơi 5 tiếng mỗi tuần. "Không thể chấp nhận được", cha của Keane nói khi nhìn vào kết quả học tập của con.
"Trẻ con cần tuân theo một số quy tắc. Mục tiêu của chúng tôi là không trở nên cực đoan. Đánh đòn bọn trẻ là điều cuối cùng chúng tôi nghĩ đến", người cha làm nghề kinh doanh ngoại tệ cho biết.
Nhưng dù chưa bị bố mẹ đánh, Keane cũng chảy nước mắt rồi. "Như thế có nghĩa là con chỉ được chơi 1 game một ngày thôi", cậu bé vừa khóc vừa nói. Cậu đang có một bộ đồ chơi Nintendo và X-box chơi chung cùng chị gái.
Gia đình Song Doo-hak. Ảnh: CNA.
Khiến con làm theo lời bố mẹ là một chuyện, ở Hàn Quốc, ông bố Song Doo-hak còn muốn các con đi theo bước chân của mình nữa.
Ông bố 36 tuổi này là một triệu phú tự thân và là doanh nhân trẻ nhất Hàn Quốc giữ chức chủ tịch một hiệp hội thương nhân. Anh cũng sở hữu 10 cơ sở kinh doanh. Anh khởi nghiệp với một hiệu bánh hamburger vào năm 2007.
Con gái thứ hai của Song là Eun-ji, 16 tuổi, và con gái cả Yeon-ji, 20 tuổi, đã làm việc tại cửa hiệu của bố từ lúc nhỏ. Yeon-ji từng được coi là "thần đồng" của trường nơi em học.
"Khi cháu học lớp tám, công việc ở cửa hiệu rất bận rộn. Cháu dành thời gian làm việc ở cửa hiệu nhiều hơn học bài. Cháu thậm chí còn không có thời gian để nổi loạn nữa", Yeon-ji than vãn.
"Và khi làm ở cửa hiệu cháu nhìn các bạn cháu đi ngang qua. Cháu thấy các bạn ấy đang chơi vui vẻ còn cháu thì đang làm việc nên cháu cũng muốn được đi chơi với các bạn. Nhưng cháu phải làm bánh hamburger", Yeon-ji kể.
Song thừa nhận do tập trung kiếm tiền nên anh "ít chú ý" tới các con.
"Tôi chưa bao giờ đưa các con của mình tới công viên giải trí. Thay vào đó, lúc nào chúng tôi cũng ở tiệm bánh. Qua gương mặt các thành viên trong gia đình mình, tôi có thể cảm thấy mọi người không hề hạnh phúc dù chúng tôi kiếm được rất nhiều tiền", anh nói.
Tuy nhiên, "giọt nước tràn ly" và các thành viên bắt đầu bày tỏ sự bất mãn khi Song yêu cầu con gái thứ hai của mình làm nhiều hơn để giúp anh đạt giấc mơ kiếm được khoảng 30 triệu won (25.000 USD) từ tiệm bánh, cao hơn số tiền cho thuê các bất động sản của gia đình.
Cô bé hiện đang học cấp ba và đã dành toàn bộ thời gian rảnh của mình để làm việc tại hiệu bánh. Vào buổi tối, cô bé tham gia các lớp học luyện thi để thực hiện giấc mở trở thành nhà thiết kế đồ họa máy tính. Đối với cô, giấc mơ đó "quan trọng hơn gia đình". "Cháu cần phải tự nuôi sống bản thân. Cháu không thể mong chờ bố mẹ chu cấp cho mình mãi được", Eun-ji nói.
Nhưng cha của cô gái tin rằng: "Học giỏi ở trường không phải là con đường duy nhất để thành công". Anh không hề xấu hổ khi tiết lộ trước đây điểm thi vào đại học của anh là 100/400.
Không chỉ các con gái mà vợ của Song, Kim Mi-ok, cũng cho rằng anh đang "đối xử với họ như nô lệ" để thực hiện giấc mơ của mình.
"Thay vì tạo lối tắt cho các con, tại sao chúng ta không chuẩn bị cho các con nhiều phương án để chúng có thể chọn giữa phương án A, B, C hay thậm chí là D. Chúng ta là cha mẹ của các con và đó là nghĩa vụ của chúng ta" chị nói với chồng.
Mi-Ok cũng cho rằng cơ hội để được học tại một trường đại học tốt "chỉ đến một lần trong đời" và chị muốn Eun-ji trải nghiệm cuộc sống ở trường đại học. Còn đối với Eun-ji, rõ ràng là đi học đại học sẽ giúp cô có thêm cơ hội để theo đuổi giấc mơ của mình.
Nhưng tới một ngày Song và con gái cả Yeon-ji nổ ra tranh cãi sau khi anh gọi cô về trong lúc đang đi chơi với bạn và đây là buổi đi chơi rất hiếm hoi của cô. Sau vụ việc đó cộng thêm việc vợ anh kiệt sức vì làm việc, Song bắt đầu nhận thấy cần có sự thay đổi, bắt đầu bằng việc thuê thêm người.
Anh cũng quyết định đưa cả nhà tới Seoul, chuyến đi chơi đầu tiên của gia đình trong suốt 9 năm qua.
"Cách đây khoảng 2 năm, gia đình tôi quá mệt mỏi và quyết định đi nghỉ cùng nhau. Nhưng đến tận bây giờ chúng tôi mới thực hiện được", anh chia sẻ.
Khánh Ngọc (Theo CNA)ảnh widgenh widget